Phát triển chính phủ số/chính quyền số
1. Phát triển, hoàn thiện Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin một cửa điện tử của các ngành, địa phương để cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; đưa toàn bộ các dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 3, mức độ 4 (đối với các thủ tục hành chính đủ điều kiện). Thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ.
2. Chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ trên môi trường mạng, biểu mẫu, chế độ báo cáo theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông; tăng cường gửi, nhận văn bản, báo cáo điện tử tích hợp chữ ký số giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội và các doanh nghiệp; thực hiện số hóa hồ sơ, lưu trữ hồ sơ công việc điện tử của các cơ quan nhà nước theo quy định.
3. Thử nghiệm triển khai hiệu quả một số dịch vụ trên nền tảng đô thị thông minh; Thử nghiệm Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh, kết hợp lựa chọn đô thị của tỉnh để triển khai thử nghiệm, gắn liền phát triển dịch vụ đô thị thông minh với hệ thống chính quyền điện tử, phát triển bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Xác định mô hình triển khai thành công để phổ biến, mở rộng.
– Ưu tiên triển khai thử nghiệm “Trung tâm giám sát, điều hành thông minh” (IOC) tỉnh An Giang là “bộ não” tích hợp, phân tích dữ liệu của tỉnh phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, ra quyết định; Hình thành kho dữ liệu chuyên ngành, kho dữ liệu lớn của tỉnh và các hệ thống cơ sở dữ liệu, ứng dụng nền tảng, dùng chung phục vụ cho IOC tỉnh; Kế thừa các ứng dụng nền tảng, dùng chung của tỉnh triển khai “Trung tâm giám sát, điều hành thông minh” tại một số đô thị, gắn liền phát triển dịch vụ đô thị thông minh với hệ thống chính quyền điện tử đồng thời kết nối với IOC tỉnh phục vụ công tác theo dõi, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh, làm cơ sở mở rộng đến tất cả địa phương, hướng đến hoàn thiện “Trung tâm giám sát, điều hành thông minh” (IOC) tỉnh An Giang.
– Tập trung chỉ đạo chuyển đổi số tất cả các mặt trong hoạt động, kiểm tra của các cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền điện tử hướng đến Chính quyền số.
4. Xây dựng chương trình nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số, phát triển Chính quyền số cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước.
5. Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn biên giới:
– Phát triển các ứng dụng, hệ thống camera giám sát, phân tích dữ liệu giám sát an toàn, an ninh trật tự, an ninh quốc phòng và phòng chống tội phạm khu vực biên giới tỉnh An Giang.
– Xây dựng, phát triển các ứng dụng quản lý lưu trú, tạm trú, quản lý người phạm tội và các ứng dụng quản lý khác của ngành.