Skip to main content

An Giang triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm thuộc Đề án 06/CP

(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Ngày 30-01, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã ban hành văn bản số 75/UBND-NC về việc triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm thuộc Đề án 06/CP năm 2023 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, để thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ thuộc đề án 06/CP, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm thuộc đề án 06/Cp. Mục tiêu chung là phải nắm được di biến động dân cư, điều tra cơ bản đặc thù vùng miền, để từ đó gắn với địa bàn cụ thể để triển khai mô hình cho phù hợp, cụ thể:

Về pháp lý: Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành Tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo, rà soát các văn bản pháp luật cần đề xuất sửa đổi, bổ sung để thực hiện Đề án 06/CP.

Về dịch vụ công: Để triển khai thực hiện dịch vụ công hiệu quả, dữ liệu của các Sở, ngành, địa phương phải được số hoá, cụ thể: Dữ liệu của các Sở, ngành phải được số hoá theo một tiêu chuẩn chung và đảm bảo dữ liệu luôn “đúng, đủ, sạch, sống” để tạo lập một kho dữ liệu dùng chung cho các Bộ, ngành, địa phương để kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu phục vụ thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Triển khai thực hiện tái cấu trúc quy trình, đơn giản hoá thủ tục hành chính kết nối với các cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành để cắt giảm các giấy tờ, thủ tục phục vụ hiệu quả người dân trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Để thực hiện dịch vụ công trực tuyến cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân:  Có đầy đủ thiết bị điện tử (điện thoại di động thông minh, máy tính…) có kết nối mạng internet. Có số CMND/CCCD và số điện thoại di động chính chủ, định danh điện tử để đăng ký tài khoản trên cổng dịch vụ công. Có tài khoản ngân hàng để thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ công có phí, lệ phí.

Đối với hạ tầng công nghệ để thực hiện dịch vụ công:

Các biểu mẫu điện tử phải được thiết kế đơn giản, tiện dụng, hạn chế sử dụng từ ngữ nghiệp vụ. Thiết kế tính năng để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên điện thoại di động thông minh. Sử dụng kết quả biểu mẫu điện tử để phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các giao dịch tiếp theo. Triển khai ứng dụng chữ ký số khi triển khai dịch vụ công đặc biệt là chữ ký trên điện thoại di động để tạo tiện ích cho người sử dụng…

Đối với cơ quan nhà nước: Phải phủ sóng internet để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện dịch vụ công trực tuyến mọi nơi, mọi lúc, mọi địa điểm. Phải trang bị hệ thống máy tính kết nối internet tại Bộ phận một cửa các cấp (cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã), có video hướng dẫn và có cán bộ hướng dẫn để người dân thực hiện dịch vụ công tại Bộ phận một cửa. Phải đảm bảo thiết bị đầu cuối được kết nối với hạ tầng cơ sở dữ liệu dùng chung để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính. Nâng cấp hệ thống hạ tầng, phần mềm để đảm bảo việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ dịch vụ công trực tuyến. Xây dựng hệ thống giám sát, đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, nhất là theo dõi, đánh giá chất lượng dịch vụ công trực tuyến. Xây dựng Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính theo Quyết định 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Đẩy mạnh việc số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, gắn số hoá với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình giải quyết thủ tục cho người dân, doanh nghiệp theo Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 08/4/2022 của Chính phủ tại Phiên họp thường kỳ tháng 03/2022; đồng thời, tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm người dân, doanh nghiệp chỉ phải cung cấp thông tin một lần trong giao dịch với cơ quan nhà nước. Hoàn thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán trực tuyến trên cổng dịch vụ công, mở rộng các nhóm thanh toán, nhất là các nhóm thanh toán trong lĩnh vực học phí, viện phí, quản lý…

Sở Thông tin và truyền thông yêu cầu các cơ quan truyền thông, nhà mạng tuyên truyền trên địa bàn; UBND cấp huyện chỉ đạo phòng Văn hoá, thông tin thực hiện thường xuyên Tuyên truyền người dân sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập Cổng dịch vụ công quốc gia.

100% cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đăng ký tài khoản định danh điện tử mức 1, mức 2; tuyên phong, gương mẫu trong thực hiện các dịch vụ công trực tuyến và tuyên truyền, vận động người thân, gia đình sử dụng dịch vụ công trực tuyến, hạn chế nộp hồ sơ trực tiếp.

UBND các huyện, thị xã, thành phố điều tra cơ bản đặc thù địa bàn để triển khai các mô hình dịch vụ công hiệu quả (tại khu chung cư, nhà văn hoá…); cắt giảm bộ phận tiếp dân trực tiếp để đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến.

Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tập huấn quy trình bố trí hệ thống máy móc, trang thiết bị (máy scan, máy tính…) để số hoá dữ liệu tại bộ phận một cửa cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; tạo bộ dữ liệu dùng chung; tập huấn quy trình số hoá dữ liệu cho cán bộ một cửa các cấp.

Về nhóm tiện ích phát triển kinh tế, xã hội

Các cơ sở y tế, bệnh viện sử dụng thẻ CCCD gắn chíp tích hợp BHYT trong khám chữa bệnh. Bố trí trang bị đầu đọc thẻ theo quy chuẩn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đồng thời người dân phải có thẻ CCCD gắn chíp điện tử và có BHYT, ứng dụng VNeID mức độ 2. Cơ sở dữ liệu BHXH đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đồng bộ dữ liệu. Các cơ sở khám chữa bệnh được cấp tài khoản tra cứu của BHXH.Lắp đặt thiết bị QR để đọc mã QR của thẻ CCCD gắn chíp điện tử hoặc mã QR của VneID tại các`cơ sở y tế,…

Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai hướng dẫn các trường học thực hiện thu phí không dùng tiền mặt. Các cơ quan, ban ngành không yêu cầu người dân xác nhận CMND 9 số vì đã có trên mã QR qua thẻ CCCD gắn chíp. Thực hiện chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội…

Phát triển công dân số

Công an tỉnh chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện thường xuyên. Đẩy mạnh thu nhận hồ sơ cấp CCCD và cấp tài khoản định danh điện tử. Hướng dẫn người dân kích hoạt tài khoản định danh điện tử.

Sở Thông tin và Truyền thông đánh giá sự cần thiết của các App ID tại tỉnh để thống nhất sử dụng 01 App duy nhất là VNeID là App quốc gia thực hiện

Xây dựng hệ sinh thái, dữ liệu dùng chung

Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và Tổ công tác triển khai Đề án 06/CP cấp huyện, cấp xã tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 132/KHPH-STP-CAT ngày 15/11/2022 giữa Sở Tư pháp và Công an tỉnh về phối hợp rà soát, đối chiếu, cập nhật, đồng bộ hoá dữ liệu hộ tịch với dữ liệu về dân cư trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND – Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06/CP cấp xã chỉ đạo thành viên tổ công tác cấp xã, huy động các nguồn nhân lực như: Đoàn viên thanh niên, học sinh, công nhân viên chức… để thực hiện từ quý I/2023. Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Tài Nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện; về máy móc thiết bị, ưu tiên huy động nguồn lực xã hội hoá, thiết bị có sẵn để thực hiện. Làm sạch dữ liệu của các ngành Lao động Thương binh và Xã hội, Y tế, đất đai, nhà ở, dữ liệu của các hội, đoàn thể.

Đảm bảo an ninh an toàn

Sở Thông tin và truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Văn phòng UBND tỉnh và Công an tỉnh Xây dựng Kế hoạch đào tạo, tuyển dụng cán bộ về An toàn thông tin. Rà soát, điều động các đồng chí được đào tạo, có kinh nghiệm về Công nghệ thông tin, đặc biệt là An toàn thông tin thực hiện chuyên trách công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin tại đơn vị.

 Về công tác tuyên truyền

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kết quả thực hiện Đề án 06/CP, nhất là các tiện ích người dân, doanh nghiệp được hưởng dưới nhiều hình thức (pano, ap pich, video hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công tại bộ phận một cửa, trên màn hình led…). Tạo mã Qrcode để người dân truy cập trung tâm hướng dẫn các nghiệp vụ về định danh, dịch vụ công.

Báo An Giang, Đài phát thanh và truyền hình An Giang tăng số lượng, thời lượng đưa tin tuyên truyền về tình hình, kết quả triển khai Đề án 06/CP trên địa bàn tỉnh; từng Sở, ngành, địa phương (kể cả đơn vị cấp xã) phải bám sát tình hình, kết quả và chức năng, nhiệm vụ được phân công, xây dựng Kế hoạch và triển khai thực hiện tốt hơn nữa công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng và mục đích thiết thực mang lại của Đề án 06/CP.

Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND các cấp trên địa bàn tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công (theo Công văn số 1560/UBND-TH ngày 30/12/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh).  Khẩn trương triển khai 07 phương thức khai thác, sử dụng thông tin công dân trên thẻ CCCD gắn chíp hoặc trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thay cho việc xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công (có Phụ lục hướng dẫn đính kèm); đồng thời, phải niêm yết công khai 07 phương thức khai thác, sử dụng thông tin công dân trên thẻ CCCD gắn chíp hoặc trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tại Bộ phận một cửa các cấp.

Bên cạnh, đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ phối hợp cử báo cáo viên tuyên truyền về Đề án 06/CP và các biện pháp, phương thức khai thác, sử dụng thông tin công dân trên thẻ CCCD gắn chíp hoặc trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thay cho việc xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công… ./.

Nguồn: Công văn Số  75 /UBND-NC, ngày 30-01-2023